Fintech là gì?

1. Chính xác thì fintech là gì?

Là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Các công ty fintech được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup. Nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.

2. Tại sao fintech là một từ hot?

Fintech có thể tái định hình ngành tài chính, tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này. Hiện tại các công ty cho vay P2P (kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet) đã hoạt động khá hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay từ vài tuần ở các ngân hàng truyền thống xuống chỉ còn vài giờ.

Theo dự đoán của Morgan Stanley, khối lượng các khoản vay trực tuyến ở Mỹ sẽ chạm mốc 120 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, so với con số khiêm tốn 20 tỷ USD của năm 2015.

Ở lĩnh vực quản lý đầu tư, những ông lớn như BlackRock và Vanguard có dịch vụ “robot tư vấn” (robo adviser) sử dụng các thuật toán để tự động điều chỉnh danh mục đầu tư tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng. Một số quỹ đầu cơ đang thử nghiệm (và thành công ở nhiều mức độ khác nhau) sử dụng trí thông minh nhân tạo để robot có thể tự học các thuật toán.

Trên thị trường vốn, các startup và kể cả các ông lớn như Goldman Sachs hay thậm chí là NHTW Anh đang thử nghiệm sử dụng các loại tiền ảo (như bitcoin) thay thế cho các phương thức chuyển tiền và tài sản truyền thống.

3. Ai quản lý fintech?

Nhìn chung thì các cơ quan quản lý tài chính trên toàn thế giới chào đón làn sóng fintech bởi nó hứa hẹn sẽ giúp cho các giao dịch tài chính dễ dàng, minh bạch hơn và có chi phí thấp hơn. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen nói rằng công nghệ tiền ảo sẽ giúp nâng cấp hệ thống thanh toán quốc tế đã cũ kỹ.

Thống đốc NHTW Anh Mark Carney cũng cho rằng fintech có thể thay đổi cách các ngân hàng, công ty và người dùng chi tiêu, quản lý và tiết kiệm tiền bạc. Tuy nhiên, theo ông các nhà quản lý phải xem xét đến chuyện liệu công nghệ có ảnh hưởng đến tính an toàn và chính xác của hệ thống tài chính hay không.

4. Rủi ro từ fintech?

Dù các công ty fintech cung cấp rất nhiều loại hình dịch vụ tài chính (từ các khoản vay thế chấp trực tuyến đến tất cả các loại tài khoản nghỉ hưu), sự thuận tiện có thể khiến một số khách hàng tham gia những dịch vụ mà họ không thực sự hiểu về các quyền hạn nghĩa vụ của bản thân.

Một số người lo ngại Fintech cũng có thể thay thế các ngân hàng vật lý truyền thống, khiến các hộ gia đình có thu nhập thấp không thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Cổ phiếu của vài công ty fintech ở Mỹ đã tăng mạnh nhưng sau đó lại lao dốc. Tháng 5/2016, LendingClub – công ty P2P có trụ sở ở San Francisco – đã sa thải CEO Renaud Laplanche sau một vụ bê bối. Kết quả là cổ phiếu của nó giảm một nửa giả trị chỉ trong 5 ngày giao dịch.

5. Các nhà quản lý đã làm gì?

Họ đang thực hiện những bước đầu để tìm ra cách bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống tài chính mà không làm chậm lại quá trình cải tiến sáng tạo. Tháng 12 năm ngoái, Văn phòng quản lý tiền tệ Mỹ cho biết sẽ bắt đầu ban hành giấy phép cho các công ty fintech đủ điều kiện, như vậy các công ty này sẽ phải tuân theo một số điều khoản trong luật ngân hàng liên bang.

Giới chức Anh thì thực hiện chương trình làm việc với các startup ở giai đoạn đầu để đảm bảo chúng tuân thủ đúng luật lệ.

Tuy nhiên, một số công ty fintech đang cố gắng hạn chế luật lệ và thành lập những nhóm vận động hành lang để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Washington.

6. Nhà đầu tư đang đặt cược vào fintech?

Trên toàn thế giới, các công ty đầu tư mạo hiểm đã rót hơn 17 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp fintech trong năm 2016, tăng gấp 6 lần so với 2012. Năm ngoái, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành điểm đến nóng nhất cho làn sóng đầu tư vào fintech.

Chỉ ở riêng Singapore cũng có hơn 100 startup hoạt động trong lĩnh vực fintech. Mới chỉ có 1 phần nhỏ lên sàn, vì thế nhà đầu tư dự đoán sẽ có một làn sóng M&A và lên sàn trong thời gian tới trong bối cảnh các ngân hàng săn lùng những công nghệ mà họ có thể sử dụng, đồng thời các công ty startup sẽ đạt được độ trưởng thành.

7. Các ngân hàng lớn có lo lắng trước làn sóng fintech?

Có. Sau khi coi nhẹ các startup này trong giai đoạn đầu, giờ đây các ngân hàng đã chấp nhận thực tế rằng công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ, khiến ngành ngân hàng thay đổi một cách căn bản như bao ngành khác.

Tuy nhiên trong khi robot tư vấn và các công nghệ khác có thể giúp ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn, hàng nghìn nhân viên có thể bị thay thế bằng máy móc. Các ngân hàng, công ty môi giới chứng khoán và những thực thể truyền thống khác cũng l ngại rằng vì bây giờ chúng ta mới bắt đầu xây dựng luật quản lý, các công ty fintech đang có một lợi thế lớn trong cuộc đua giành thị phần.

Do đó một số người lo ngại trong làn sóng công nghệ thay thế những phương thức truyền thống, công việc kinh doanh của nhiều ngân hàng sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu như họ không bắt kịp được với công nghệ.

8. Và các ngân hàng đang làm gì để đối phó với fintech?

Họ đang cố gắng đi trước một bước. Một số ngân hàng sử dụng sức mạnh thương hiệu và công nghệ để tự mình thử nghiệm với fintech. Các phương thức tiếp cận phổ biến ở thung lũng Silicon thường được áp dụng trong trường hợp này. Ví dụ, Barclays đã hỗ trợ 60 startup trong khuôn khổ các chương trình cải tiến ở London, New York, Tel Aviv and Cape Town. Các ngân hàng khác như Citigroup hay Banco Santander SA đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm mua cổ phần của các công ty fintech.

Tuy nhiên, rất khó để các ngân hàng lớn tích hợp công nghệ mới vào hệ thống máy tính đã lỗi thời của họ. Do đó các ngân hàng lớn đang tỏ ra khá chậm chạp, dù tiền đầu tư không phải là ít.

Xu hướng mới trong ngành CNTT: Thay đổi và cơ hội

Theo tính toán của UBND TP Hà Nội, để thực hiện các mục tiêu trong Dự thảo Quy hoạch phát triển CNTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, Hà Nội cần khoảng 700.000 nhân lực CNTT.

Chỉ tính riêng FPT Software, từ nay đến 2015 sẽ cần tuyển 9.000 người. Năm 2013, dự kiến FPT Software sẽ tuyển thêm 2.000 – 2.500 nhân viên cho các vị trí kỹ sư phần mềm, quản trị dự án, kỹ sư cầu nối, biên dịch và phiên dịch tiếng Nhật.

Cũng giống như FPT Software, nhiều doanh nghiệp phần mềm khác đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực rất lớn. Đại diện một doanh nghiệp phần mềm khác tại cho biết, hiện công ty có nhu cầu tuyển dụng vài nghìn người để có đủ nhân lực cho các hợp đồng làm gia công phần mềm trong giai đoạn 2012-2013. Còn theo con số tính toán chung từ các doanh nghiệp phần mềm, mỗi năm ngành phần mềm cần tuyển 8.000 – 10.000 lao động.

 

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT quý I/2013 của một số doanh nghiệp lớn
Thời gian gần đây, do thị phần gia công phần mềm phát triển mạnh, nhiều công ty ký được hợp đồng gia công phần mềm lớn nên chạy đua tuyển lập trình viên có kinh nghiệm, kỹ năng nghề cao. Song song đó, nhu cầu rao tuyển lập trình viên đi nước ngoài làm việc với mức lương hấp dẫn (2.000-3.000 USD/tháng) của các công ty xuất khẩu lao động cũng khiến cho nhân sự ở lĩnh vực này sáng giá.

Một yếu tố có ý nghĩa khác đóng góp cho tăng trưởng trong công nghiệp phần mềm là an ninh máy tính. Các công ty và chính phủ sẽ phải đầu tư lớn vào phần mềm để bảo vệ thông tin của họ và giữ an ninh hệ thống của họ khỏi tấn công. Và, khi khối lượng dữ liệu được truyền qua Internet tăng lên, tầm quan trọng của việc bảo trì hệ thống máy tính và an ninh mạng sẽ tăng lên, dẫn tới nhu cầu lớn hơn về phần mềm an ninh.Thay đổi trong công nghệ di động cũng đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực. Sự phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh đang làm cho doanh nghiệp và các cá nhân trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ này, sẽ có nhu cầu tăng lên về ứng dụng phần mềm mới để khai thác tiềm năng của điện thoại thông minh và sản phẩm máy tính bảng. Thiết bị di động với sự nhỏ gọn, dễ di chuyển nhưng tích hợp rất nhiều tiện ích đa dạng và lý thú không khác gì một chiếc laptop thu nhỏ đang là lựa chọn hàng đầu của những người trẻ năng động và bận rộn trong thời buổi hiện nay. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp công nghệ đang dần chuyển mối quan tâm và sự đầu tư cho việc phát triển ứng dụng, phần mềm trên thiết bị di động. Dạo quanh các trang web về tuyển dụng, trong nhóm ngành CNTT, vị trí “Chuyên viên lập trình di động hay lập trình game trên di động” xuất hiện ngày càng nhiều.

Thống kê cho thấy, chuyên ngành phát triển mạnh nhất và có nhu cầu nguồn lực lớn nhất của ngành CNTT Việt Nam vẫn là ngành phần mềm để nhắm vào các thị trường nước ngoài. Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn tiếp diến trong it nhất là 10 năm nữa. Thực tế cũng cho thấy, công nghiệp phần mềm là công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong hai mươi năm qua. Nó vẫn là ngành công nghiệp trẻ nhất so với các ngành công nghiệp khác.

Vietnamworks
Career Link
Mywork.vn
Vieclam24h
Vieclam.vnexpress
IT Phần mềm
562
1535
13283
123
1535
IT Phần cứng
252
598
6809
87
598
Tỉ lệ tin tuyển dụng của ngành Phần cứng và Phần mềm trên các trang tuyển dụng online tháng 4/2013

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và phát triển, nhiều doanh nghiệp cũ và mới đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự về quản trị mạng, hệ thống mạng. Chính vì thế nhu cầu tuyển dụng chuyên viên quản trị mạng, hệ thống mạng ở VN hiện cũng rất lớn.

Như vậy, sinh viên CNTT nên theo học phần cứng hay phần mềm để dễ kiếm việc làm hơn? Để có việc làm tốt hơn? Không thể đưa ra lời khuyên nào thích đáng cho câu hỏi trên vì thị trường hệ thống (mạng, phần cứng…) hay phần mềm cũng đều là những thị trường tiềm năng trong tương lai.

Phần lớn những người làm việc trong công nghiệp phần mềm đều là thanh niên, độ tuổi dưới 35, sẵn lòng nhận rủi ro để phát kiến và tạo ra sản phẩm mới. Về mức lương, nhìn chung nghề lập trình khi mới vào nghề thường có mức khởi điểm cao hơn, và nếu thực sự giỏi và nổi trội thì thu nhập của nghề phần mềm rất đáng mơ ước. Ngược lại, nghề quản trị mạng tuy thường có mức lương khởi điểm thấp hơn nhưng “tuổi thọ nghề” lại được đánh giá là dài hơn. Tuy nhu cầu tuyển dụng lập trình viên thường nhiều hơn, nhưng nghề quản trị mạng lại được đánh giá là dễ xin việc hơn, phạm vi tìm kiếm công việc rộng hơn, vì công ty nào có ứng dụng mạng máy tính cũng có nhu cầu về nhân viên quản trị.

Lựa chọn nghề nghiệp nào, định hướng nào luôn là câu hỏi lớn nhất mà mọi sinh viên ngành CNTT phải đối mặt. Mỗi một giai đoạn, nhu cầu thị trường việc làm trong ngành này có thể khác nhau, nhưng nhìn chung CNTT nói chung vẫn là ngành công nghiệp có nhu cầu nhân lực rất lớn. Lựa chọn nghề nghiệp nào, vì thế, ngoài việc phân tích xu hướng công nghệ, thị trường…thì cần dựa vào đam mê, khả năng thực sự của mỗi người. Dù chọn nghề nào, bạn vẫn có khả năng thành công, nếu bạn thực sự chứng minh được mình “giỏi” trong lĩnh vực đó.