Trí tuệ nhân tạo AI là gì? Ứng dụng như thế nào trong cuộc sống?

Ngày nay, hễ nhắc tới các thiết bị điện tử hay bất cứ thiết bị nào người ta đều nhắc đến trí tuệ nhân tạo được tích hợp trên thiết bị đó. Vậy trí tuệ nhân tạo là gì và được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống?

Trong cuộc triển lãm công nghệ IFA 2018 vừa diễn ra tại Berlin (Đức), các hãng sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Sony,… đã đầu tư và sáng tạo cho ra các sản phẩm tăng trải nghiệm người dùng với trí tuệ nhân tạo AI như loạt TV BRAVIA, Family Hub của Samsung; loạt thiết bị gia dụng cao cấp LG Signature của LG; chú chó robot AIBO của Sony và rất nhiều các thiết bị khác từ gia dụng, điện tử cho đến y học của các hãng điện tử trên thế giới đều chú trọng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo là gì?

Trí tuệ nhân tạo là gì và được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence  – viết tắt là AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science). Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.

Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính.

Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…

Tuy rằng trí thông minh nhân tạo có nghĩa rộng như là trí thông minh trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nó là một trong những ngành trọng yếu của tin học. Trí thông minh nhân tạo liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc.

Có bao nhiêu loại AI?

Công nghệ AI được chia làm 4 loại chính:

Loại 1: Công nghệ AI phản ứng.

Công nghệ AI phản ứng có khả năng phân tích những động thái khả thi nhất của chính mình và của đối thủ, từ đó, đưa ra được giải pháp tối ưu nhất.

Một ví dụ điển hình của công nghệ AI phản ứng là Deep Blue. Đây là một chương trình chơi cờ vua tự động, được tạo ra bởi IBM, với khả năng xác định các nước cờ đồng thời dự đoán những bước đi tiếp theo của đối thủ. Thông qua đó, Deep Blue đưa ra những nước đi thích hợp nhất.

Loại 2: Công nghệ AI với bộ nhớ hạn chế

Đặc điểm của công nghệ AI với bộ nhớ hạn chế là khả năng sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ để đưa ra những quyết định trong tương lai. Công nghệ AI này thường kết hợp với cảm biến môi trường xung quanh nhằm mục đích dự đoán những trường hợp có thể xảy ra và đưa ra quyết định tốt nhất cho thiết bị.

Ví dụ như đối với xe không người lái, nhiều cảm biến được trang bị xung quanh xe và ở đầu xe để tính toán khoảng cách với các xe phía trước, công nghệ AI sẽ dự đoán khả năng xảy ra va chạm, từ đó điều chỉnh tốc độ xe phù hợp để giữ an toàn cho xe.

xe không người lái

Loại 3: Lý thuyết trí tuệ nhân tạo

Công nghệ AI này có thể học hỏi cũng như tự suy nghĩ, sau đó áp dụng những gì học được để thực hiện một việc cụ thể. Hiện nay, công nghệ AI này vẫn chưa trở thành một phương án khả thi.

Loại 4: Tự nhận thức

Công nghệ AI này có khả năng tự nhận thức về bản thân, có ý thức và hành xử như con người. Thậm chí, chúng còn có thể bộc lộ cảm xúc cũng như hiểu được những cảm xúc của con người. Đây được xem là bước phát triển cao nhất của công nghệ AI và đến thời điểm hiện tại, công nghệ này vẫn chưa khả thi.

công nghệ AI

AI được ứng dụng thế nào trong cuộc sống hiện tại và tương lai

Trong ngành vận tải

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trên những phương tiện vận tải tự lái, điển hình là ô tô. Sự ứng dụng này góp phần mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nhờ khả năng cắt giảm chi phí cũng như hạn chế những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng.

Vào năm 2016, Otto, hãng phát triển xe tự lái thuộc Uber đã vận chuyển thành công 50.000 lon bia Budweisers bằng xe tự lái trên quãng đường dài 193 km. Theo dự đoán của công ty tư vấn công nghệ thông tin Gartner, trong tương lai, những chiếc xe có thể kết nối với nhau thông qua Wifi để đưa ra những lộ trình vận tải tốt nhất.

xe vận tải không người lái

Trong sản xuất

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để xây dựng những quy trình sản xuất tối ưu hơn. Công nghệ AI có khả năng phân tích cao, làm cơ sở định hướng cho việc ra quyết định trong sản xuất.

Trong y tế

Ứng dụng tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế là máy bay thiết bị bay không người lái được sử dụng trong những trường hợp cứu hộ khẩn cấp. Thiết bị bay không người lái có tốc độ nhanh hơn xe chuyên dụng đến 40% và vô cùng thích hợp để sử dụng ở những nơi có địa hình hiểm trở.

thiết bị không người lái

Trong giáo dục

Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo giúp tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục. Các hoạt động giáo dục như chấm điểm hay dạy kèm học sinh có thể được tự động hóa nhờ công nghệ AI. Nhiều trò chơi, phần mềm giáo dục ra đời đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng học sinh, giúp học sinh cải thiện tình hình học tập theo tốc độ riêng của mình.

Trí tuệ nhân tạo còn có thể chỉ ra những vấn đề mà các khóa học cần phải cải thiện. Chẳng hạn như khi nhiều học sinh được phát hiện là gửi đáp án sai cho bài tập, hệ thống sẽ thông báo cho giáo viên đồng thời gửi thông điệp đến học sinh để chỉnh sửa đáp án phù hợp. Công nghệ AI còn có khả năng theo dõi sự tiến bộ của học sinh và thông báo đến giáo viên khi phát hiện ra vấn đề đối với kết quả học tập của học sinh.

AI trong giáo dục

Hơn nữa, sinh viên còn có thể học hỏi từ bất cứ nơi nào trên thế giới thông qua việc sử dụng những phần mềm có hỗ trợ AI. Công nghệ AI cũng cung cấp dữ liệu nhằm giúp sinh viên lựa chọn được những khóa học tốt nhất cho mình.

Trong truyền thông

Đối với lĩnh vực truyền thông, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần làm thay đổi cách thức tiếp cận đối với khách hàng mục tiêu. Nhờ những ưu điểm của công nghệ AI, các công ty có thể cung cấp quảng cáo vào đúng thời điểm, đúng khách hàng tiềm năng, dựa trên việc phân tích các đặc điểm về nhân khẩu học, thói quen hoạt động trực tuyến và những nội dung mà khách hàng thường xem trên quảng cáo.

Trong ngành dịch vụ

Công nghệ AI giúp ngành dịch vụ hoạt động tối ưu hơn và góp phần mang đến những trải nghiệm mới mẻ hơn và tốt hơn cho khách hàng. Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu, công nghệ AI có thể nắm bắt thông tin về hành vi sử dụng dịch vụ của khách hàng, từ đó mang lại những giải pháp phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.

Xu hướng của sáng tạo công nghệ trên thế giới luôn chú tâm đến phát triển trí tuệ nhân tạo. Trong khoảng 5 đến 10 năm nữa, ngành công nghệ này sẽ thật sự đạt đến đỉnh cao. Hãy cùng chờ đợi những sáng tạo mới nhất của loài người về lĩnh vực này nhé.

Nguồn: Thạch Thị Mỹ Quyên

Blockchain là gì? Hoạt động của Blockchain như thế nào? Ứng dụng ra sao?

Công nghệ Blockchain xuất hiện đã mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán,… Vậy blockchain là gì? Có thể làm được những gì?

1. Blockchain là gì? (khái niệm, phân loại, phiên bản mới nhất)

Khái niệm

Blockchain là công nghệ chuỗi – khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng.

Mỗi khối (block) đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận, thay đổi của dữ liệu.

Một chuỗi khối bao gồm các danh sách ghi chép được liên kết và bảo mật thông tin.

Công nghệ Blockchain – sự kết hợp giữa 3 loại công nghệ:

  • Mật mã học: để đảm bảo tính minh bạch, toàn vẹn và riêng tư thì công nghệ Blockchain đã sử dụng public key và hàm hash function.
  • Mạng ngang hàng: Mỗi một nút trong mạng được xem như một client và cũng là server để lưu trữ bản sao ứng dụng.
  • Lý thuyết trò chơi: Tất cả các nút tham gia vào hệ thống đều phải tuân thủ luật chơi đồng thuận (giao thức PoW, PoS,…) và được thúc đẩy bởi động lực kinh tế.

Hệ thống Blockchain chia thành 3 loại chính:

  • Public: Bất kỳ ai cũng có quyền đọc và ghi dữ liệu trên Blockchain. Quá trình xác thực giao dịch trên Blockchain này đòi hỏi phải có rất nhiều nút tham gia. Vì vậy, muốn tấn công được vào hệ thống Blockchain này cần chi phí rất lớn và thực sự không khả thi. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum,…
  • Private: Người dùng chỉ được quyền đọc dữ liệu, không có quyền ghi vì điều này thuộc về bên tổ chức thứ ba tuyệt đối tin cậy. Vì đây là một Private Blockchain, cho nên thời gian xác nhận giao dịch khá nhanh vì chỉ cần một lượng nhỏ thiết bị tham gia xác thực giao dịch. Ví dụ: Ripple là một dạng Private Blockchain, hệ thống này cho phép 20% các nút là gian dối và chỉ cần 80% còn lại hoạt động ổn định là được.
  • Permissioned (hay còn gọi là Consortium): một dạng của Private nhưng bổ sung thêm 1 số tính năng khác, đây là sự kết hợp giữa Public và Private. Ví dụ: Các ngân hàng hay tổ chức tài chính liên doanh sẽ sử dụng Blockchain cho riêng mình.

Hệ thống Blockchain gồm 3 loại chính

Các phiên bản của công nghệ Blockchain

  • Công nghệ Blockchain 1.0 – Tiền tệ và Thanh toán: Ứng dụng chính của phiên bản này là tiền mã hoá: bao gồm việc chuyển đổi tiền tệ, kiều hối và tạo lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Đây cũng là lĩnh vực quen thuộc với chúng ta nhất mà đôi khi khá nhiều người lầm tưởng Bitcoin và Blockchain là một.
  • Công nghệ Blockchain 2.0 – Tài chính và Thị trường: Ứng dụng xử lý tài chính và ngân hàng: mở rộng quy mô của Blockchain, đưa vào các ứng dụng tài chính và thị trường. Các tài sản bao gồm cổ phiếu, chi phiếu, nợ, quyền sở hữu và bất kỳ điều gì có liên quan đến thỏa thuận hay hợp đồng.
  • Công nghệ Blockchain 3.0 – Thiết kế và Giám sát hoạt động:  Đưa Blockchain vượt khỏi biên giới tài chính, và đi vào các lĩnh vực như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật.

Blockchain 3.0

2. Các đặc điểm nổi bật của Blockchain

Blockchain có các đặc điểm nổi bật sau:

  • Không thể làm giả, không thể phá hủy các chuỗi Blockchain: theo như lý thuyết thì chỉ có máy tính lượng tử mới có thể giải mã Blockchain và công nghệ Blockchain biến mất khi không còn Internet trên toàn cầu.
  • Bất biến: dữ liệu trong Blockchain không thể sửa (có thể sửa nhưng sẽ để lại dấu vết) và sẽ lưu trữ mãi mãi.
  • Bảo mật: Các thông tin, dữ liệu trong Blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối.
  • Minh bạch: Ai cũng có thể theo dõi dữ liệu Blockchain đi từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và có thể thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó.
  • Hợp đồng thông minh: là hợp đồng kỹ thuật số được nhúng vào đoạn code if-this-then-that (IFTTT), cho phép chúng tự thực thi mà không cần bên thứ ba.

Các đặc điểm của Blockchain

3. Blockchain hoạt động như thế nào

Ứng dụng được biết đến và thảo luận nhiều nhất về công nghệ Blockchain chính là đồng tiền điện tử. Bitcoin là một đơn vị tiền tệ kỹ thuật số với mã là BTC, cũng giống như đô la Mỹ bản thân nó không mang giá trị, nó chỉ có giá trị bởi vì có một cộng đồng đồng ý sử dụng nó làm đơn vị giao dịch hàng hóa và dịch vụ.

Để theo dõi số lượng Bitcoin mà mỗi người sở hữu trong các tài khoản nhất định và theo dõi các giao dịch phát sinh từ đó thì chúng ta cần đến một cuốn sổ kế toán, trong trường hợp này nó chính là Blockchain và đây thực tế là một tệp kỹ thuật số theo dõi tất cả các giao dịch Bitcoin.

Ứng dụng được biết đến và thảo luận nhiều nhất về công nghệ Blockchain chính là đồng tiền điện tử

Tệp sổ cái này không được lưu trữ trong một máy chủ trung tâm, như trong một ngân hàng hoặc trong một trung tâm dữ liệu mà ngược lại nó được phân phối trên toàn thế giới thông qua một mạng lưới các máy tính ngang hàng với vai trò lưu trữ dữ liệu và thực thi các tính toán. Mỗi máy tính này đại diện cho một “nút” của mạng lưới Blockchain và mỗi nút đều có một bản sao của tệp sổ cái này.

Một ví dụ dễ hiểu về giao thức chuyển tiền điện tửNếu David muốn gửi Bitcoin cho Sandra, anh ta sẽ phát một thông báo tới mạng lưới và cho biết số lượng Bitcoin trong tài khoản của mình sẽ giảm 5 BTC và số lượng Bitcoin trong tài khoản của Sandra sẽ tăng lên tương ứng. Mỗi nút trong mạng sau đó sẽ nhận được thông báo này và ánh sạ giao dịch được yêu cầu vào bản sao sổ cái kế toán của họ, và theo đó số dư tài khoản của cả hai bên đều được cập nhật.

Nếu David muốn gửi Bitcoin cho Sandra, anh ta sẽ phát một thông báo tới mạng lưới và cho biết số lượng Bitcoin trong tài khoản của mình sẽ giảm 5 BTC và số lượng Bitcoin trong tài khoản của Sandra sẽ tăng lên tương ứng. Mỗi nút trong mạng sau đó sẽ nhận được thông báo này và ánh sạ giao dịch được yêu cầu vào bản sao sổ cái kế toán của họ, và theo đó số dư tài khoản của cả hai bên đều được cập nhật.

Nguyên lý mã hoá

Nguyên lý mã hóa

Trên thực tế, cuốn sổ cái luôn được duy trì bởi các máy tính trong mạng ngang hàng được kết nối với nhau. Vì thế, nó sẽ có một số điểm khác biệt:

  • Trong hệ thống ngân hàng, chúng ta chỉ biết các giao dịch và số dư tài khoản của riêng mình thì trên Blockchain của bitcoin bạn có thể xem các giao dịch của tất cả mọi người.​
  • Mạng lưới Bitcoin là mạng lưới phân tán không cần bên thứ ba đóng vai trò trung gian xử lý giao dịch.​
  • Hệ thống Blockchain được thiết kế theo cách không yêu cầu sự tin cậy và bảo đảm bởi độ tin cậy có được thông qua các hàm mã hóa toán học đặc biệt.​

Để có thể thực hiện các giao dịch trên Blockchain, bạn cần một phần mềm sẽ cho phép bạn lưu trữ và trao đổi các đồng Bitcoin của bạn gọi là ví tiền điện tử. Ví tiền điện tử này sẽ được bảo vệ bằng một phương pháp mã hóa đặc biệt đó là sử dụng một cặp khóa bảo mật duy nhất: khóa riêng tư (private key) và khóa công khai (public key).

Nếu một thông điệp được mã hóa bằng một khóa công khai cụ thể thì chỉ chủ sở hữu của khóa riêng tư là một cặp với khóa công khai này mới có thể giải mã và đọc nội dung thông điệp.

Khi mã hóa một yêu cầu giao dịch bằng khóa riêng tư, có nghĩa là bạn đang tạo ra một chữ ký điện tử được các máy tính trong mạng lưới Blockchain sử dụng để kiểm tra chủ thể gửi và tính xác thực của giao dịch. Chữ ký này là một chuỗi văn bản và là sự kết hợp của yêu cầu giao dịch và khóa riêng tư của bạn.

Nguyên lí hoạt động của blockchain

Nếu một ký tự đơn trong thông điệp yêu cầu giao dịch này bị thay đổi thì chữ ký điện tử sẽ thay đổi theo. Vì thế, hacker khó có thể thay đổi yêu cầu giao dịch của bạn hoặc thay đổi số lượng Bitcoin mà bạn đang gửi.

Để gửi Bitcoin (BTC), bạn cần chứng minh rằng bạn sở hữu khóa riêng tư của một chiếc ví điện tử cụ thể bởi bạn cần sử dụng nó để mã hóa thông điệp yêu cầu giao dịch. Sau khi tin nhắn của bạn đã được gửi đi và được mã hóa thì bạn không cần phải tiết lộ khóa riêng tư của bạn nữa.

Quy tắc của sổ cái

Mỗi nút trong Blockchain đều đang lưu giữ một bản sao của sổ kế toán. Do vậy, mỗi nút đều biết số dư tài khoản của bạn là bao nhiêu. Hệ thống Blockchain chỉ ghi lại mỗi giao dịch được yêu cầu chứ không hề theo dõi số dư tài khoản của bạn.

Để biết số dư trên ví điện tử của mình thì bạn cần xác thực và xác nhận tất cả các giao dịch đã diễn ra trên mạng lưới mà có liên quan tới ví điện tử của bạn.

Việc xác minh “số dư” này được thực hiện nhờ các tính toán dựa vào liên kết đến các giao dịch trước đó. Nhìn vào hình trên, để gửi 10 BTC cho John, Mary cần tạo yêu cầu giao dịch bao gồm các liên kết đến các giao dịch đã diễn ra trước đó với tổng số dư bằng hoặc vượt quá 10 BTC.

Xác minh số dư trong ví điện tử

Các liên kết này được xem như là giá trị đầu vào, các nút trong mạng lưới sẽ xác minh xem tổng số tiền của các giao dịch này bằng hoặc vượt quá 10 BTC không. Tất cả điều này được thực hiện tự động trong ví điện tử của Mary và được kiểm tra bởi các nút trên mạng lưới Bitcoin, Mary chỉ gửi một giao dịch 10 bitcoin tới ví của John bằng khóa công khai của John.

Tham chiếu lịch sử giao dịch

Thực tế là các nút sẽ kiểm tra tất cả các giao dịch có liên quan đến ví tiền điện tử bạn sử dụng trước đó để gửi Bitcoin (BTC) thông qua việc tham chiếu các lịch sử giao dịch. Có một bản ghi sẽ lưu trữ số BTC chưa được dùng và được các nút mạng lưu giữ giúp đơn giản hóa và tăng tốc quá trình xác minh. Vì thế, các ví tiền điện tử tránh được tình trạng chi tiêu đúp giao dịch.

Mã nguồn trên mạng lưới Bitcoin là nguồn mở, có nghĩa là bất kỳ ai có máy tính kết nối được internet đều có thể tham gia vào mạng lưới và thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ một lỗi nào trong mã nguồn được sử dụng để phát thông báo yêu cầu giao dịch thì các Bitcoin liên quan sẽ bị mất vĩnh viễn.

Hãy nhớ rằng, sẽ không có bộ phận hỗ trợ khách hàng hoặc không hề có bất cứ ai có thể giúp bạn khôi phục lại một giao dịch bị mất hoặc quên mật khẩu ví tiền điện tử của bạn vì đây là mạng phân tán. Vì thế, bạn cần phải lưu trữ mật khẩu hoặc khóa riêng tư của ví của bạn cực kỳ cẩn thận và an toàn.

Nguyên lý tạo khối

Các giao dịch sau khi được gửi lên trên mạng lưới Blockchain sẽ được nhóm vào các khối và các giao dịch trong cùng 1 khối (block) được coi là đã xảy ra cùng thời điểm. Các giao dịch chưa được thực hiện trong 1 khối được coi là chưa được xác nhận.

Nguyên lý tạo khối

Mỗi nút có thể nhóm các giao dịch với nhau thành một khối và gửi nó vào mạng lưới như một hàm ý cho các khối tiếp theo được gắn vào sau đó. Bất kỳ nút nào cũng có thể tạo ra một khối mới. Vậy, câu hỏi đặt ra là: hệ thống sẽ đồng thuận với khối nào? khối nào sẽ là khối tiếp theo?

Để được thêm vào Blockchain, mỗi khối phải chứa một đoạn mã đóng vai trò như một đáp án cho một vấn đề toán học phức tạp được tạo ra bằng hàm mã hóa băm không thể đảo ngược.

Cách duy nhất để giải quyết vấn đề toán học như vậy là đoán các số ngẫu nhiên, những số khi mà kết hợp với nội dung khối trước tạo ra một kết quả đã được hệ thống định nghĩa. Điều này nhiều khi có thể mất khoảng một năm cho một máy tính điển hình với một cấu hình cơ bản có thể đoán đúng các con số đáp án của vấn đề toán học này.

cấu trúc blockchain

Mạng lưới quy định mỗi khối được tạo ra sau một quãng thời gian là 10 phút một lần, bởi vì trong mạng lưới luôn có một số lượng lớn các máy tính đều tập trung vào việc đoán ra dãy số này. Nút nào giải quyết được vấn đề toán học như vậy sẽ được quyền gắn khối tiếp theo lên trên chuỗi và gửi nó tới toàn bộ mạng lưới.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu hai nút giải quyết cùng một vấn đề cùng một lúc và truyền các khối kết quả của chúng đồng thời lên mạng lưới? Trong trường hợp này, cả hai khối được gửi lên mạng lưới và mỗi nút sẽ xây dựng các khối kế tiếp trên khối mà nó nhận được trước tiên.

Tuy nhiên, hệ thống Blockchain luôn yêu cầu mỗi nút phải xây dựng trên chuỗi khối dài nhất mà nó nhận được. Vì vậy, nếu có sự mơ hồ về việc block nào là khối cuối cùng thì ngay sau khi khối tiếp theo được giải quyết thì mỗi nút sẽ áp dụng vào chuỗi dài nhất.

Chuỗi blockchain

Do xác suất việc xây dựng các block đồng thời là rất thấp nên hầu như không có trường hợp nhiều khối được giải quyết cùng một lúc và nhiều lần tạo ra các khối nối đuôi khác nhau. Do đó, toàn bộ chuỗi-khối sẽ nhanh chóng ổn định và hợp nhất lại khi mà mọi nút đều đồng thuận.

4. Ứng dụng thực tiễn của công nghệ Blockchain trong cuộc sống

Một số ngành công nghiệp mà công nghệ Blockchain có thể tác động đến như:

  • Công nghệ ô tô Automotive (Automotive)
  • Chế tạo (Manufacturing)
  • Công nghệ, truyền thông và viễn thông (Tech, media & Telecommunications)
  • Dịch vụ tài chính (Financial Services)
  • Nghệ thuật & Giải trí (Art & Recreation)
  • Chăm sóc sức khỏe (Healthcare)
  • Bảo hiểm (Insurance)
  • Bán lẻ (Retail)
  • Khu vực công (Public Sector)
  • Bất động sản (Property)
  • Nông nghiệp (Agricultural)
  • Khai thác (Mining)
  • Vận tải và Logistics (Transport & Logistics)
  • Công trình hạ tầng kỹ thuật (Utility)

Hiện nay có rất nhiều công ty và tập đoàn lớn đang xây dựng mạng lưới của riêng mình bằng công nghệ Blockchain. Chắc chắn rằng Blockchain sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong vài năm tới ở Việt Nam và đóng vai trò ngày càng lớn trong việc thay đổi thế giới CNTT.

Nguồn: Trần Nhựt Quang

Đổ xô đào pi vì ‘không mất gì’?

Gần đây, những người quan tâm đến tiền kỹ thuật số bàn tán về sự xuất hiện của Pi Network (còn gọi là đồng Pi) khi nhấn mạnh đến việc người tham gia có thể đào Pi hoàn toàn miễn phí và thậm chí có thể thay thế được Bitcoin.

Đã có 13 triệu người tham gia ?

Theo các trang Facebook như Cộng đồng Pi Network Việt Nam, Pi Network Việt Nam…, Pi Network (đồng Pi) là đồng tiền kỹ thuật số mới được phát triển bởi một nhóm tiến sĩ ĐH Stanford (Mỹ). Theo đó, dự án này không lừa đảo, không mất thời gian và hoàn toàn miễn phí. Đào Pi trên điện thoại thông minh mà không cần treo máy, không sợ hao pin, đồng tiền này sẽ thay thế Bitcoin… Thậm chí, có bài viết liệt kê cụ thể như mỗi người có thể đào được 6 Pi một ngày, tương đương 1 năm được 2.160 Pi. Nếu Pi lên sàn với giá 10 USD thì người đào sẽ bỏ túi 21.600 USD.

Toàn bộ tiền của 13 triệu người đang nằm trong tay một người hay một nhóm người kiểm soát, không ai kiểm soát được dự án của họ, cũng không có pháp luật nào bảo vệ cho người đào số tiền đó. Đến khi mở mã nguồn Mainnet, thực chất là kết nối giữa Pi Network với Pi Nodes (chính là Stellar) thì các dữ liệu hay số tiền Pi đã xào nấu trong thời gian đóng mã nguồn cũng không ai được biết.


TS Đặng Minh Tuấn, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông

Thực tế mỗi điện thoại hiện nay chỉ mặc định đào được 0,12 Pi/giờ, tương đương khoảng 2,88 Pi/ngày. Để đào được Pi, người dùng cần tải ứng dụng Pi Network về điện thoại và nhập thông tin cá nhân, nhập mã mời của thành viên khác để “tăng lớp bảo mật và tốc độ đào Pi”. Quan trọng nhất là sau khi tạo tài khoản Pi, người dùng phải thực hiện xác thực danh tính cá nhân gồm ảnh chụp passport, số điện thoại, email… Nhưng cứ sau 24 giờ, hệ thống đào Pi tự động dừng và người dùng phải đăng nhập chạy lại. Những người trong mạng lưới này cũng khẳng định Pi không dùng phương pháp tiếp thị đa cấp để phát triển. Pi phát triển cộng đồng thông qua mã giới thiệu chỉ duy nhất 1 cấp và được trả thưởng cho công việc này là công bằng như nhau giữa người giới thiệu và người được giới thiệu. Nếu người chơi và người giới thiệu cùng khai thác và phải hoàn thành việc xác minh danh tính thì cùng được thưởng 0,10 Pi/giờ.

Hiện nhiều nhóm, diễn đàn Pi Network thu hút đông người tại Việt Nam tham gia với tâm lý không mất gì, còn nếu đào được Pi thì ngày nào đồng tiền này tăng giá như Bitcoin, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Theo nhiều quảng bá, Pi Network đã có khoảng 13 triệu người tham gia từ nhiều nước.

Nhiều điều mờ ám

Chia sẻ về Pi Network, một nhà đầu tư tiền ảo có thâm niên tên K.Nguyên tại TP.HCM cho biết hiện nay có nhiều tranh cãi khá gay gắt về đồng Pi. Nhưng ông nói thẳng: Trên đời này không có chuyện gì kiếm tiền mà lại dễ dàng đến vậy. Dự án công bố có khoảng 13 triệu người tham gia và theo ông Nguyên thì đa số là người Việt. Nếu thành công thì số người Việt thành tỉ phú chắc không đếm xuể. Hơn nữa, để tăng tốc độ đào Pi thì cần giới thiệu thêm nhiều người bạn và đây có thể là dấu hiệu của mô hình đa cấp với hứa hẹn lợi nhuận gia tăng.
Cũng theo nhà đầu tư này, có nhiều người nghĩ đơn giản rằng cứ tải ứng dụng về điện thoại để đào Pi và trong tương lai Pi được mã hóa, giao dịch trên sàn như một đồng tiền số kiểu Bitcoin thì họ lại có một lượng tiền lớn. Còn việc xác thực tài khoản thì các thông tin cá nhân tại Việt Nam cũng đã được khai báo nhiều nơi và lộ ra công khai rồi nên cũng không có gì quan trọng (?). Nhưng việc giao cho Pi những thông tin cá nhân quan trọng, nhất là thông tin hộ chiếu thì không thể yên tâm. “Việc kỳ vọng vào giá trị trong tương lai là không ai cấm, nhưng thực tế thị trường tiền kỹ thuật số có hàng trăm đồng tiền khác nhau đã được giao dịch trên sàn và cũng có hàng trăm đồng tiền đã âm thầm biến mất thì không cần thiết phải bỏ phí thời gian để đi đào một đồng tiền chưa có giá trị”, ông Nguyên nói và so sánh, người tham gia tự tin vì “không mất gì” nhưng chủ dự án nhờ có một hệ thống người dùng khá lớn và hằng ngày đều phải truy cập nên “chỉ cần nhìn thấy các quảng cáo nhúng vào trang web cũng biết họ kiếm tiền nhiều như thế nào”.
TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông), cũng cảnh báo những vấn đề mờ ám của hệ thống Pi Network. Ông cho hay đã cài Pi Network để trải nghiệm và nhận thấy bản chất đây là một hệ thống đóng, sử dụng nền tảng Blockchain sẵn có của Stellar (Stellar là nền tảng công nghệ thanh toán phi tập trung, mã nguồn mở); có sửa cấu hình để có đồng Pi. Trong khi các loại đồng tiền mã hóa như Bitcoin đều là hệ thống mở, minh bạch. Với cơ chế cứ 24 giờ người tham gia phải mở điện thoại để “đào” thì thực ra người dùng phải vào điểm danh và phương thức xác thực giao dịch cũng trên nền tảng Stellar. Với bản chất như trên thì những quảng cáo ưu việt nhất của Pi đều sai sự thật. Đó là đào bằng điện thoại nhưng thật sự đào, xác thực giao dịch là do Stellar; đồng thuận bằng vòng tròn bảo mật của người dùng cũng sai sự thật (vì đồng thuận của Stellar độc lập với Pi Network). Đồng Pi thực chất được sinh ra từ việc điểm danh và thưởng giới thiệu thành viên cùng sự ban phát hay cấp phát của chủ dự án. Do là một hệ thống đóng nên không ai biết nó sinh ra như thế nào. Vì vậy, TS Tuấn nhận định: Có nhiều người cho rằng đào Pi không mất gì, nhưng cái chắc chắn người dùng sẽ mất là thông tin cá nhân khi xác thực, mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại, và có thể mất thêm thông tin khác trong máy (vì Pi Network yêu cầu nhiều quyền can thiệp vào máy), mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là “vòng tròn tin tưởng” khá giống đa cấp. Hệ thống Pi Network là mã nguồn đóng và dữ liệu đóng nên chủ dự án có thể tự thưởng cho mình hàng tỉ Pi mà không ai biết.
Nguồn: thanhnien.vn